Schtroumpf’s Blog
Just another WordPress.com weblog

Dec
08

(Thủy Khởi – Trang Hạ dịch)

Con ơi! Khi con còn thơ dại,
Mẹ đã mất rất nhiều thời gian,
Mẹ dạy con cầm thìa, dùng đũa ăn cơm
Mẹ dạy con buộc dây giày, chải tóc, lau nước mũi
Những kỷ niệm về những năm tháng mẹ con mình sống bên nhau
Làm mẹ nhớ thương da diết
Vì thế, khi mẹ chóng quên, mẹ chậm lời
Con hãy cho mẹ chút thời gian, xin con chờ mẹ chút
Cho mẹ suy nghĩ thêm
Cho dù cuối cùng ngay cả định nói gì
Mẹ cũng quên…

Con ơi! Con quên là mẹ con ta đã tập luyện hàng trăm lần
Con mới thuộc khúc đồng dao đầu đời?
Con nhớ không mỗi ngày mẹ đáp
Những câu ngây ngô, hàng trăm câu con hỏi từ  đâu
Nên nếu mẹ lỡ kể lể nhiều lần những câu chuyện móm răng
Ngâm nga những khúc ru con thời con bé
Xin con tha thứ cho mẹ
Xin con cho mẹ chìm trong những hồi ức ấy nhé!
Xin con đáp lời mẹ kể những chuyện vụn vặt trong nhà!

Con ơi! Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày,
Ăn cơm vãi đầy vạt áo
Chải đầu tay bần bật run
Đừng giục giã mẹ
Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm
Mẹ chỉ cần có con ở bên
Mẹ đủ ấm.

Con ơi! Bây giờ mẹ đi chân không vững, nhấc không nổi bước
Mẹ xin con nắm tay mẹ
Dìu mẹ, chậm thôi
Như năm đó…
Mẹ dìu con đi những bước đầu đời.

Feb
25

(Nguồn http://www.luanvy.com/loinhochoem/nhuchotinhdenroihayyeu.html)

Sáng nay tôi nhìn thấy em ở ngã tư. Đèn đỏ còn sáng và đồng hồ đang đếm ngược. Ba mươi chín giây. Em đang vội, chiếc xe đạp điện màu đỏ cứ nhích dần lên. Không chỉ mình em, nhiều người khác cũng vội. Những chiếc xe máy cứ nhích dần, nhích dần lên…Sống là không chờ đợi. Dù chỉ mấy mươi giây.

Tôi nhớ có một hôm nào đó, em đã nói với tôi rằng đấy là một triết lý hay, ta phải tranh thủ sống đến từng giây của cuộc đời.

Nhưng em biết không, đừng vì bất cứ một triết lý hay nào mà gạt bỏ đi ý nghĩa của sự chờ đợi. Bởi chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần của bài học cuộc đời. Em sẽ bằng lòng đợi chứ, nếu em đã học biết về điều sẽ xảy ra?

Đợi khi xếp hàng ở siêu thị, vì biết rồi sẽ đến lượt mình và rằng đó là sự công bằng. Đợi tín hiệu đèn xanh trước khi nhấn bàn đạp, vì biết đó là luật pháp và sự an toàn cho chính bản thân. Đợi một người trễ hẹn thêm dăm phút nữa, vì biết có bao nhiêu việc có thể bất ngờ xảy ra trên đường. Đợi một cơn mưa vì biết rằng dù dai dẳng mấy, nó cũng phải tạnh. Đợi một tình yêu đích thực vì biết rằng những thứ tình yêu “theo phong trào” chỉ có thể đem đến những tổn thương cho tâm hồn nhạy cảm của em…

Vì vậy mà hãy cứ bình tâm, em nhé. Cuộc đời ta cũng như rượu vang vậy. Có những loại vài tháng là uống được. Nhưng cũng có loại phải lưu giữ rất nhiều năm để đạt độ chín cần thiết. Điều quan trọng không phải là sớm hay là muộn, mà là đúng lúc. Bởi mọi thứ đều có thời điểm của riêng mình. Vị rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm.

Cũng như câu chuyện về hai chú sâu kia. Sâu anh nằm trong cái kén cảm thấy bực bội vô cùng, nên cố vùng vẫy thật mạnh để mong thoát ra ngoài. Vùng vẫy ngày này qua ngày khác, sâu mọc đôi cánh bé. Nó lại cố ra sức đập cánh, đôi cánh dần lớn ra, cứng cáp. Và cuối cùng, sâu anh hóa bướm, rũ bỏ cái kén chật chội để bay lên cao. Khi đã thoát ra rồi, nó mới thấy sâu em vẫn còn mắc kẹt trong kén. Nó hăm hở lao đến giúp em phá vỡ cái kén và đưa sâu em ra ngoài.

Thế nhưng, em biết không, sâu em mới chỉ có một đôi cánh mỏng manh bé xíu.  Nó không thể bay lên như anh và cũng không còn chiếc kén để bảo vệ thân mình. Bướm anh khóc ròng nhìn em bị đàn kiến tha đi.

Tôi nhớ có một câu danh ngôn, đại ý rằng “Bạn sẽ có được con gà con lông vàng mũm mĩm bằng cách ấp trứng, chứ không phải bằng cách đập vỡ cái trứng ra”. Vậy thì đó là lý do tại sao con sâu phải nằm trong kén đủ ngày rồi mới được hoá thân. Cũng như con người phải chín tháng mười ngày mới nên rời lòng mẹ. Đó cũng là lý do của ba mươi chín giây đèn đỏ, của mười hai năm miệt mài trên ghế nhà trường, của một mối tình thiết tha còn chưa chịu hé lộ. Và của rất nhiều khoảnh khắc chờ đợi trong cuộc đời.

Mọi vật đều có thời điểm của mình. Em đừng cố rút ngắn thời gian. Nếu trái chưa chín thì đừng nên hái. Nếu nhộng chưa chín thì đừng phá vỡ kén tằm. Nếu chưa gặp được một tâm hồn đồng điệu thì đừng trao gửi trái tim. Đừng để thế giới này tác động.

Xuân qua hè tới. Đông sang thu về.

Đừng nôn nóng khi nhìn thấy những loài cây khác đã khoe lá khoe hoa. Hãy cứ bình tâm. Hãy đợi thời điểm của mình, em nhé. Hãy tận dụng khoảng ngừng lặng này để bồi đắp cho chính mình và học cách khám phá điều sẽ xảy ra. Nếu em biết suy tư, khoảng thời gian chờ đợi không bao giờ là vô nghĩa.

Vì thế, dù cuộc sống có trôi nhanh biết mấy, em nhớ để dành trong đời mình những khoảng lặng thời gian cho sự đợi chờ. Không chỉ như chờ đèn xanh bật sáng ở ngã tư, mà như chờ rượu chín rồi hãy uống.

Như chờ tình đến rồi hãy yêu.

Phạm Lữ Ân

Jun
01

(Trích Blog Báo Mới)
Mình nhìn xuống dưới. Bạn bè vừa dứt tràng vỗ tay. Hội đồng phản biện đang hội ý cho điểm. Giá mà họ cứ hội ý mãi. Bởi vì chỉ ngay sau đấy thôi, đời sinh viên của mình đã kết thúc rồi.

16 năm đi học thế là đã trôi vụt qua như 1 cái khoát tay. (Trong khi thật ra không phải thế, nó dài lắm, rất là dài. Nhất là với đứa nào học dốt.)

– – –
Hồi cấp 1, trong cái nỗi mệt mỏi vì học giỏi, mình nhẩm tính” Giờ mới học lớp 2, đến bao giờ mới học xong lớp 12?”

Bởi vì quá là căng thẳng đi. Học lớp 1 cũng phải thi đầu vào, lớp 2 đã phải chọn đội tuyển thi học sinh giỏi cấp trường, lớp 3 lớp 4 cấp Quận, lớp 5 cấp Thành phố. Tức là sách giáo khoa ít chữ sẽ được đảo qua rất nhanh thôi, còn chủ yếu là học sách nâng cao sách bồi dưỡng. Cặp đi học to đùng như một cái thùng. Lên lớp 5, tất cả những đứa đội tuyển được xếp vào 1 lớp học riêng, học kiểu gì í khó lắm, mỗi bài kiểm tra là 1 đề thi học sinh giỏi. Năm đấy cả lớp đi thi mang về tầm 20 cái giải. 20 đứa được thưởng 20 cái cặp Cô gái Hà Lan giống i xì nhau. Mình chỉ được giải Ba thôi. Có hôm mình với cả 1 bạn cầm nhầm cặp của nhau về. Bạn kia được giải Nhì suýt soát Nhất, mà lúc mở cặp ra mình thấy toàn truyện tranh. Mình bắt đầu ghen tị với bọn thông minh vãi. Thông minh chả cần học nhiều. Học nhiều mệt.

4 năm cấp 2 không khá khẩm gì hơn. Lại sốt ruột “Đến bao giờ mới học xong lớp 12”. Nhưng lý do không chỉ còn là mệt mỏi vì học giỏi nữa. Mình muốn học xong lớp 12 để có người yêu. Chịp, vì những năm đầu thế kỷ 21 là thời kỳ phim Hàn rất thịnh ở Việt Nam. Mấy người trong phim dù gái hay trai cũng đều rất xinh và có tình yêu đẹp. Trong khi hồi cấp 2 mình xấu như 1 con khỉ, nhìn bọn bạn xung quanh cũng xấu như 1 đàn khỉ. Nói thật chứ 1 lũ khỉ nhìn nhau thì chẳng con nào muốn thích con nào. Đồng phục có 2 cái quần 2 cái áo 1 dài 1 ngắn mặc suốt tuần. Ngoài học ra chả biết làm gì ngoài học thêm. Trong không khí học hành khô khan và thiếu thốn cái đẹp đấy, cô bé 14 tuổi ao ước học cho xong để đến ngày thoát xác.

Lên cấp 3, rút kinh nghiệm không cố tình học giỏi nữa. Cứ vừa đủ thôi, kết hợp ăn chơi tiêu sái cho thoải mái. Nhưng khổ cái Toán Lý Hóa cấp 3 khó quá. Có lần kiểm tra Hình không gian 1 tiết được hẳn 1 điểm. Hóa thì nhìn chả hiểu gì. 1 lũ dốt Hóa ngồi với nhau có lần bảo:” Tao cảm giác đấy không phải tiếng người bọn mày ạ”. Thế là phải đi học thêm. Lại nhớ nguyên xi cái cảm giác đạp xe trên đường Kim Mã đi học thêm lúc 7h sáng giữa mùa đông lạnh tím tái. Vừa đạp vừa ngủ gật. Đến muộn 3’ tự động quay xe đi về, vì vào muộn sẽ bị cô nói dữ lắm. Từ đấy hình thành khao khát học cho xong cấp 3, thi đỗ Đại học để tự do đi xe máy và không mắc nợ học thêm. Đùa chứ mình thấy học thêm là gông cùm nặng nề nhất của cả 1 đời học sinh. Ngoài ra thì kiểm tra miệng với kiểm tra 15’ cũng là 2 thứ ám ảnh thần kinh dai dẳng. Có đứa nào trong giờ kiểm tra miệng mà dám ngẩng cao đầu? Có đứa nào nghe câu:” Cả lớp lấy giấy kiểm tra 15’!” mà không thất thần hoảng hốt? Chịp, học hành là chuyện vinh quang mà sao không tránh khỏi những phút giây tự thấy mình khổ khổ hèn hèn như thế nhỉ?

4 năm Đại học không viết hết 1 quyển vở. Kiểu người ta bảo Đại học = Học đại ấy. Cấp 1 cấp 2 cấp 3 bị 7 điểm còn buồn còn khóc chứ lên Đại học được 7 điểm thì còn xuân nào vui hơn. Đôi khi nghe các bậc anh chị đi trước bảo: “Bọn mày sướng! Đi học là sướng nhất rồi, giờ tao chỉ mong được đi học” lại thấy chả tin lắm. Nếu được lựa chọn thì chẳng ai muốn đúng boong lúc 7h sáng mùa đông phải có mặt điểm danh trên giảng đường. Chẳng ai muốn giữa trưa hè 43 độ phải bò ra học Triết ôn thi. Chẳng ai muốn giữa cái đêm gió mùa đông bắc tràn về, tay gõ tiểu luận mà não không ngừng đấu tranh “Học hành thì ấm vào thân, đi ngủ thì ấm từ chân lên đầu”. Lại ao ước “Học cho ngoan, lớn cho nhanh, bay vào đời xây dựng. Rèn đôi tay, chắc đôi chân, lao động là vinh quang.” Lao động là vinh quang. Còn học hành là còn khổ nạn.

– – –

Ấy thế mà lúc này đây, khi mọi sự học hành tuồng như đã đến hồi xong xuôi, khi mà tất cả những thứ ước ao trước kia mình đã có được hòm hòm, thì lại muốn níu kéo vớt vát cái kiếp khổ nạn đấy lại quá xá.

Mình nhớ những cái bát tô nhựa màu đỏ chất đầy trứng thịt xong lại chan chứa nước canh mà mình ăn bán trú suốt hồi cấp 1. Bữa nào bọn mình cũng xin phép nhau: “Ấy cho tớ 1 miếng thịt, tớ đổi cho 2 miếng cá”. Mấy thằng béo béo thì hay cướp luôn, không nói nhiều. Mấy con gầy choắt không ăn hết cơm sẽ lén lút đổ cơm vào ngăn bàn, chiều ngủ dậy đứa nào ngồi học ở cái bàn đấy sẽ hét toáng lên giữa lớp là: “Con thưa cô ngăn bàn con có đậu sốt cà chua!” Hồi cấp 1 có phim Hoàn Châu Cách Cách. Sáng nào đến lớp cũng ngồi nói chuyện Tiểu Yến Tử với Ngũ A Ka. Cổng trường tiểu học thì luôn luôn là 1 miền đất hứa với bạt ngàn ô mai dây, bim bim que, chất lỏng Alex Mark, kẹo cao su Big Babol, poster Britney Spears các thứ.

Mình nhớ cả hồi cấp 2 đi học thêm Văn ở nhà cô, có hôm trời mưa bão đùng đùng, cả lớp chưa đứa nào ăn sáng cả, cô mới xách mâm ra đầu ngõ mua cho mỗi đứa 1 bát cháo lòng rồi lại đội mâm về. Có chị giúp việc nhà cô chạy theo cầm ô che. Cả lớp rưng rưng cảm động, mới tức khẩu làm ngay 1 câu lục bát: “Trời mưa bong bóng phập phồng – Chúng em nhớ mãi cháo lòng cô khao”. Cái câu thơ kinh điển đấy bây giờ mỗi lần trời mưa, hoặc mỗi lần đi ăn cháo lòng mình đều lẩm nhẩm. Xong nghĩ, không biết sau này đi làm, các sếp có tốt với nhân viên như là cô giáo mình đã tốt với lũ học sinh bọn mình không.

Cấp 3 là thời kỳ bắt đầu có triệu chứng bệnh tim. Tình lúc đấy chỉ là tình khó nói kiểu mưa rơi lặng thầm thôi. Giờ ra chơi nào mình cũng đứng nấp sau cái cột, vén màn che nắng ở hành lang nhìn lên chỗ anh í đứng. Có hôm đứng rình suốt 5 tiếng ở hàng điện tử, chờ anh í oánh MU xong chỉ để đưa cho anh í cái bánh socola mình tự nướng bằng nồi cơm điện, cứng ngắc và dai nhách như 1 miếng đệm mút Kim Đan. Mấy con bạn mình bảo bánh đấy ném chó chó vỡ đầu. Mình còn giả vờ là nhà mình cũng ở Gia Lâm để đi xe bus cùng anh í về mỗi ngày, sau đấy lại lên xe đi ngược về nhà mình ở đầu kia thành phố. Giờ mình đã hiểu thế nào là nhan sắc có hạn mà thủ đoạn thì vô biên.

Còn trường Đại học của mình, nơi mình đang đứng đây; nơi mà 2 năm đầu mình đã rắp tâm rút hồ sơ để thi lại sang trường khác; nơi mà trong bao giấc mơ hiện ra khi mình ngủ gật trên giảng đường, mình đã ước đến ngày tốt nghiệp để tung cánh bay khỏi đấy. Thì bây giờ, mình lại mong nó cứ chứa chấp mình đi, đừng đẩy mình ra đời vội. Mình vẫn còn muốn lui tới đây hàng ngày, vẫn muốn gặp anh trông xe khi nhìn thấy mình sẽ gật đầu cười:”Vào đi không cần vé!”, vẫn muốn lên canteen ăn bát mì ít thịt ít cả rau, vẫn muốn lê la sân trường mà hát hò nhảy nhót tập tành cho các chương trình Đoàn Đội Hội phường. Mình vẫn muốn nửa đêm gọi điện cho các bạn hỏi học thi đến câu nào rồi, rồi ngồi tự quây đề với nhau mà chả dựa trên cơ sở nào cả, sáng hôm sau thi lệch tủ lòi mắt.

16 năm đi học của mình sắp hết. 16 năm mình thấy mình đúng là 1 sản phẩm hoàn hảo của nền giáo dục nước nhà. Thuộc 5 điều Bác Hồ dạy, thuộc bảng cửu chương, bao nhiêu cái giải học sinh giỏi, thủ khoa Đại học, không bạo hành nữ sinh, không bật thầy cô giáo, chả có cái clip sex nào mà tung lên mạng.

Sau buổi bảo vệ tốt nghiệp này, sẽ chẳng còn ai chấm điểm cho mình nữa. Những cái máy quẹt gắn trước cổng các công ty sẽ chỉ chấm công cho mình thôi.

Tối qua, là xong bộ áo dài để hôm nay mặc đi bảo vệ, mình online 1 tí và nhìn thấy cái ảnh 2 bạn học sinh trường Ams ôm nhau khóc trong lễ tốt nghiệp. “Made in 12” năm nay của các bạn tên là “Dòng thời gian”. 4 năm trước, chủ để “Made in 12” của khóa mình là “Tháng năm không ở lại”. Năm đấy, khi cái clip cuối cùng được phát, trên màn chiếu là cảnh các lớp học vắng tanh, hành lang dài hun hút, sân trường trống không 1 bóng người, 2 cánh cổng trường từ từ khép lại, ai đó bắt đầu hát “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này…”, mình cay xè mắt mũi. Lúc đấy có muốn chạy ra ôm 1 bạn, và thêm 1 vài bạn khác. Nhưng cứ đứng như trời trồng. Tối về nhà ân hận lắm, ân hận đến suốt cả những năm sau này.

Nên chỉ vài phút nữa thôi, khi lễ bảo vệ của mình kết thúc, mình sẽ xuống dưới ôm nhiều bạn, bắt tay nhiều thầy cô. Bởi vì “Tháng năm không ở lại”. Và ngay cả tháng 5 cũng không hề ở lại đâu.

Mar
22

Trích note của Hamlet Trương
1.
Tôi gọi người bạn trong câu chuyện này là A.
A đem lòng yêu một người. Và trong suốt khỏang thời gian dài đăng đẳng, A chỉ quan tâm đến một mình người đó.
Nhưng người đó khước từ.
Mối duyên chưa thấm đã nhạt, đã làm cho A khổ lắm, buồn lắm. Thất vọng nữa!
Đến khi A hoàn toàn có thể vượt qua, có thể dành trái tim mình cho một người khác. Thì người mà A yêu, lúc này mới thấu được những gì A đã làm cho người đó.
Người đó muốn cùng A làm lại từ đầu.
Nhưng không được. A đã là A mới, một chữ cái độc lập. Vì A có thể đi với nhiều chữ cái khác nhau để tạo nên những từ có nghĩa. Không nhất thiết là A thì phải đi với riêng một chữ nào.
Hai người có duyên gặp gỡ, kết thân, cũng có duyên để yêu thương nhau. Vậy mà chỉ sai thời điểm, là tất cả cùng sai.
Duyên phận từ đó mà tàn…

2.
Anh Khang của tôi nói là. Tình yêu có 4 lọai:
– Đúng lúc. Đúng người. Thế thì quá viên mãn, miễn bàn!
– Sai lúc. Sai người. Cũng không có gì để bàn tán.
– Đúng lúc. Sai người.
Đó là lúc lòng bạn trống trải, cô đơn, và bạn rất cần một người ở cạnh. Thì khi đó, hễ ai đến, bạn đều xem đó là cái phao cứu sinh, ôm lấy, với lấy mà không cần biết thêm gì khác. Tình yêu đó vẫn sẽ tồn tại một thời gian. Nhưng khi người đúng nhất với bạn đến tìm bạn, bạn sẽ tự khắc nhận ra mình đã quá ích kỷ khi chọn lựa vội vàng.
– Đúng người. Sai lúc.
Bạn biết đó là người mà bạn sẽ yêu thương hết mực. Bạn biết đó là hạnh phúc bạn mong chờ, khát khao. Bạn muốn ở cạnh họ mỗi ngày, muốn chăm sóc và nghe mùi tóc của họ. (Tôi vẫn tin rằng, có một thứ giác quan bí ẩn hay nói với con người về người-thuộc-về-họ, thứ cảm giác ấm áp khi mắt chạm mắt trong một dịp tình cờ nào đấy!). Nhưng khi bạn gặp họ, mọi thứ đã muộn. Họ đã có người yêu, có gia đình, hoặc, đó là lúc họ cần xây dựng sự nghiệp hơn là yêu.
Duyên phận từ đó mà tàn…

3.
Khi nào mình biết duyên tàn?
Khi tôi và bạn gặp lại những người ta từng yêu thương hết mực. Nhưng vì sai lúc hay sai người gì đấy, mà chúng ta lạc mất nhau. Rồi sau một chút ngại ngùng ban đầu, chúng ta cảm nhận rõ ràng có gì đó đã khác xưa.
Ta không còn muốn khóc vì họ nữa, dẫu cách họ vẫn đứng bên cạnh không khác xưa là mấy
Ta không còn muốn ôm lấy họ nữa, dẫu nụ cười họ vẫn vẹn nguyên ấm cúng
Ta không còn muốn cảm thông và lắng nghe họ nữa, vì ta thấy lời nói của họ bỗng không còn êm tai như xưa, mà trở thành hàng đống ngôn từ hỗn lọan không đầu không cuối.
Nhận ra điều đó, ta rất đau lòng.
Ta từng thương họ thế mà! Sao lại có thể nhạt phai như vậy?
Có gì buồn hơn nhìn thấy người mình từng thương, mà trong lòng không còn lấy một chút cảm giác?
Nếu tình yêu không đơm hoa viên mãn, thì loại quả nó nở ra sẽ là quả ân hận có mùi đắng chát…

4.
Tôi tin vào tùy duyên.
Tùy duyên là đói thì ăn, mệt thì ngủ. Ăn ra ăn, ngủ ra ngủ. Không coi trọng việc nào hơn và cũng không vừa làm cái này vừa làm cái nọ.
Tương tự, duyên đã đến, đừng chối bỏ và ngại ngùng. Nếu bạn thích người ta, hãy nói cho họ biết qua những điều nhỏ bé bạn làm vì họ. Một cái kẹo ngọt, tin nhắn, hay một lon coke chẳng hạn! 🙂
Còn duyên đã tàn, thì hãy để nó ra đi, nhẹ nhàng như lúc đến.
Tôi đã từng cố thay đổi những mối duyên tàn, nhưng hiểu lầm cứ nối tiếp nhau làm mối duyên không những mất đi mà còn để lại tổn thương cho nhau nữa.
Tôi biết bạn đọc đến đây thì phân vân lắm!
Nhưng nghe tôi
Buông tay đi, đừng giữ những chú chim khi chúng chỉ thuộc về bầu trời…

5.
Tôi chờ một người anh đang trở về từ Luân Đôn.
Tôi nhớ chiếc xe màu xanh, nhớ cặp mắt kính, nhớ nụ cười ông cụ non
Nhớ cafe Vegas thằng anh khuyên thằng em, rồi cũng chính nơi đó hôm sau thằng em nói y chang vậy với thằng anh
Nhớ Vũng Tàu và ngôi nhà đầy ánh sáng của anh Lê Thắng, khi chúng tôi đến thăm cái chân què của anh.
Nhớ con đường từ Vũng Tàu về rợp trời hoa phượng đỏ
Nhớ buổi tối xe hư vì bị trúng đinh
Hai anh em còn ăn chay nữa!
Anh trai tôi sắp đứng trước mặt tôi sau một thời gian dài du học.
Một mối duyên an lành tôi trân trọng và biết ơn.

Tôi chờ một người thương đang phiêu lưu ở Los Angeles.
Tôi nhớ những lúc chơi vơi nhất đã nhắn tin an ủi nhau thế nào
Nhớ lúc còn một ngày nữa là ra sân bay vẫn còn đi cùng nhau qua các con phố để tâm sự nốt những gì cuối cùng
Nhớ nụ cười sáng bừng bừng, thông minh và tinh tế
Nhớ cả câu hỏi không đầu không cuối “sao? sao?” của nó nữa.
Khi người thương đi, người thương sẽ phải đi.
Tôi không biết nói gì, chỉ biết sống tiếp cuộc sống của mình. Và tôi sẽ chờ ngày tái ngộ, dẫu là 4 hay 10 năm chăng nữa

Duyên đã tàn, mà lại sống trong nhau…

6.
Tự nhiên tôi viết những dòng này. Vì tôi hoang mang lắm.
Tôi muốn níu, muốn giữ, muốn buông, muốn bỏ. Mà lòng cứ đắn đo.
Nên tôi phải tự an ủi mình.
Đúng duyên thì không cần làm gì cũng sẽ hút về nhau
Tàn duyên thì cố gắng cỡ nào cũng sẽ rời xa nhau
Và nếu là của nhau, thì sẽ có lúc quay về.

Mây là của trời, hãy để gió mang đi…

Oct
11

Có lẽ bất cứ ai tồn tại trên cõi đời này đều có quá khứ của riêng mình. Có thể quá khứ ấy ngập tràn niềm vui và tiếng cười. Cũng có thể quá khứ ấy chan đầy nước mắt với những niềm đau. Và hầu như ai cũng biết rằng, không thể thay đổi quá khứ của cuộc đời mình. (Mashimay)

Mỗi thời điểm trôi qua, đều đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc sống. Vấn đề là ở chỗ bước ngoặc nào in đậm vào tâm trí ta nhất. Hôm qua ngồi cùng bạn, bạn bảo rằng “Nhìn mày bây giờ khác trước quá”. Chỉ biết cười thật tươi: “Ừ, khác trước nhiều lắm”. Gần một năm về trước, khi chia tay mối tình đầu, trên cộng đồng những blogger xuất hiện một nickname hoàn toàn xa lạ. Người ta chỉ biết rằng, đó là một con người mới, một ngoại hình mới, một tính cách mới, và những nhận thức mới về cuộc đời. Cho phép mình trở về quá khứ, của gần một năm với muôn vàn cảm xúc…
Ngày xưa cứ ngỡ, người yêu là định mệnh, là món quà vô giá mà mình được trao tặng. Lỡ thiếu người rồi mình sẽ sống ra sao, sẽ chia sẻ buồn vui với ai, sẽ lấy ai vỗ về những lúc mình giận dỗi. Ngày xưa cứ ngỡ, tình yêu như một bức tranh chỉ có màu hồng hạnh phúc.

Từng ngày trôi qua, chợt nhận ra mình đã níu kéo một người vốn đã không thuộc về mình. Dù biết rằng rất đau, nhưng tự nhủ sẽ phải học cách để từ bỏ.
Chia tay một người… tôi nhận ra không có ai là định mệnh của đời mình. Định mệnh tồn tại ở chính bản thân và chỉ do mình quyết định. Biết rằng tình cảm là thiêng liêng lắm nhưng rồi cũng hiểu, trên đời này đâu phải chỉ có tình cảm lứa đôi.

Chia tay người… tôi nhận ra mình không yếu đuối như người từng nhận xét. Tôi thấy hơi thở của đời mình mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Đã ngỡ rằng sẽ không thể vượt qua, ngỡ rằng vết thương ấy không bao giờ lành. Đến giờ mới biết, không có điều gì là không thể vượt qua, cũng chẳng có vết thương nào là không bao giờ lành. Vết thương có lành được hay không còn phải xem người ta có tự tay cào vào vết thương ấy hay không.
Chia tay người… tôi nhận ra rằng trong cuộc sống, bên cạnh màu hồng còn có nhiều gam màu khác. Màu sắc của cuộc sống tùy vào cảm nhận của mỗi người. Và tự nhắc mình phải luôn nhìn đời bằng những gam màu tươi thắm và lạc quan. Niềm vui là phải tự mình tạo lấy.

Chia tay người… tôi nhận ra rằng giờ đây tôi sống không chỉ cho riêng mình. Xa một người, nhưng tôi lại biết quan tâm đến nhiều người khác, gia đình, bạn bè và những người thân quen. Thấy có lỗi vì mình từng vô tâm quá. Chợt nhận ra, có những khoảnh khắc nhói đau chỉ mình mình biết, lắm lúc đôi mắt ráo hoảnh và thèm được khóc. Nhưng rồi… tất cả cũng đã qua.
Chia tay người… tôi gửi gắm tâm sự của mình vào những lời văn, câu chữ. Vốn không phải là người giỏi thể hiện, tôi chỉ có thể bộc bạch lòng mình theo cách của riêng tôi. Nhiều khi thấy buồn vì đâu thể tránh khỏi miệng lưỡi thế gian nói này nói nọ, thôi thì chỉ cần sống tốt như mình từng sống.

Chia tay người… tôi nhận ra chẳng có tình yêu nào là trọn vẹn và hoàn hảo. Chẳng phải yêu nhau là để giận dỗi trách hờn nhau. Yêu là còn phải chấp nhận và đồng cảm cùng nhau. Yêu thương không nhất thiết phải giữ lấy, yêu thương còn là phải học cách buông tay.

Giờ đây, với tôi, nỗi nhớ về người đã nhạt nhòa từ lâu. Đã nhiều lần tôi tự nhủ sẽ thôi không viết về người nữa. Hôm nay có dịp, tôi sẽ tự mình kết thúc những hoài niệm về người. Người sẽ trú ngụ ở một khoảng kí ức khó quên, hình bóng của người sẽ ở một góc khuất trong trái tim tôi. Tôi sẽ khép lại trang kí ức mang dáng dấp người một cách nhẹ nhàng thôi, nhẹ nhàng như cái cách mà ngày nào người từng đến với tôi.
Ngày mai, và cả sau này nữa, tôi biết mình sẽ quan tâm và viết về nhiều điều khác. Tôi sẽ viết về gia đình, về bạn bè, cuộc sống, về hạnh phúc hiện tại, về một người đang yêu thương và lo lắng cho tôi. Giờ đây, tôi đã học được cách yêu thương một người, nên tôi sẽ không để người đau khổ, đau như mình từng đau.
Lần đầu tiên, duy nhất và cuối cùng, xin cho tôi được bày tỏ: “Cảm ơn người, mối tình đầu khó quên – cảm ơn quá khứ của đời tôi…”

Cảm ơn một người đã đến và đi qua, một người mà tôi cứ ngỡ là định mệnh. Cảm ơn vì đã cho tôi biết cảm giác yêu thương, cảm giác nghẹn đắng và kiềm nén là như thế nào. Cảm ơn người đã giúp tôi nhận ra giá trị thật của bản thân, để tôi biết rằng, không ai tôn trọng tôi bằng chính bản thân mình. Cảm ơn một người đã dạy tôi những kinh nghiệm sống mà không người thầy nào có thể dạy được cho tôi, vui có, buồn có. Cảm ơn, vì chúng ta đã chia tay nhau, để tôi có dịp nhìn lại mình, để tôi hiểu rằng, hạnh phúc đơn giản chỉ là bằng lòng với những gì mình đang có.
Thay cho lời kết, tôi xin mượn câu nói từng nghe ở đâu đó, tôi đã thuộc nằm lòng và xem như một phương châm sống: “… Tự buông trôi mình trong nỗi ám ảnh của quá khứ, đâu phải là khôn ngoan, sáng suốt. Kỷ niệm sinh ra để ta thêm lòng dũng cảm, chứ không phải để cướp nó đi. Bởi lẽ chúng ta đã nếm trải nỗi đau và niềm hạnh phúc, chúng ta biết rằng một cuộc sống mới vẫn có thể bắt đầu. Bạn không tin sao?”

Jul
05


Những đêm về nhà muộn, đi qua ngã tư công viên, bao giờ cũng gặp người phụ nữ ngồi tư lự bên chiếc xe đẩy bán bắp luộc. Cái dáng liêu xiêu cứ nhập nhòa giữa sương khói đất trời và ánh đèn cao áp vàng vọt.

Thường bắt gặp những gương mặt người nhẫn nại bên những chiếc xe đẩy. Gương mặt đen sạm đẫm mồ hôi của chị bán dưa trong những trưa nắng cháy. Gương mặt xương gầy thẫn thờ của anh chàng bán bầu bí nơi góc chợ chồm hổm đầu hẻm mỗi chập choạng chiều. Gương mặt hốc hác ngáp ngủ của bà cụ bán khoai nướng giữa khuya lắc khuya lơ nơi con phố tình yêu không giới hạn đêm ngày… Những gương mặt buồn câm lặng bao giờ cũng như đang dật dờ mê ngủ.

Khác với sắc màu và mùi vị của những sản vật trên chiếc xe đẩy họ ngồi bên. Dưa lúc nào cũng tươi ngọt, bầu bí cứ xanh mơn và khoai nướng bùi thơm lừng. Ngồn ngộn bức tranh quê, gọi về tất cả yêu thương của rơm rạ, đồng bãi. Để kịp làm ấm giấc mơ của ai đó vừa ghé qua hít hà hương khoai hương bắp sau khi phố chớm tạnh cơn mưa ầm ào. Để thỏa lòng người ở trọ phố phường một dáng hình tần tảo của mẹ già ở chợ quê. Để nhắc nhớ đừng đắng đót quên thời củ ấu củ năng.

Những vòng xe chậm rãi chất chở bao món quà quê nghèo, thong dong lướt qua những nhà hàng sang trọng nhộn nhịp tiệc buffet. Những gương mặt buồn mênh mông, trải dài, ngậm ngùi vọng nhớ đồng quê.

CHÂU TRẦN
(Trích từ TTO)

Jun
24

Trích Note của http://www.worldtripjournal.com/
Đạo Phật có câu: “ Kẻ thù lớn nhất của đời người chính là bản thân mình”. Cái khó nhất để làm một người lữ hành là bước ra khỏi bậc cửa nhà mình. Một khi mình đã có quyết tâm bước ra khỏi bậc cửa, mình sẽ thoát ra khỏi lũy tre làng, bước ra đường quốc lộ. Một khi đã qua cửa khẩu là mình ở một đất nước khác. Đạo diễn bộ phim tài liệu nổi tiếng “Hà Nội trong mắt ai” Trần Văn Thủy viết trong cuốn sách “ Nếu đi hết biển”, hồi nhỏ ông có hỏi bà vú nuôi mình rằng nếu đi hết biển thì là gì. Bà vú không trả lời nổi và khi trưởng thành, ông đã cố gắng trả lời câu này. Ông cố gắng “đi hết biển”, đi sang Mỹ và tìm hiểu về đất nước, con người đã từng là kẻ thù của dân tộc Việt, tìm hiểu về những con người cùng dân tộc Việt mà bị coi là ngụy, là kẻ thù. Và tất nhiên nếu “đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình”. Ông đã thu lượm nhiều hơn trong chuyến đi đó.

Một khi mình đã bước ra được thế giới, mình sẽ thấy mình thật nhỏ bé trong thế giới này. Một khi mình được đắm mình trước những kỳ quan của thế giới mới thấy hết được sự hùng vĩ của thiên nhiên, có dong thuyền buồm ra biển gặp bão, khi con tàu nhỏ nhoi như chiếc lá tre mong manh trước biển lớn, bị hàng ngàn con sóng cao như những tòa nhà chọc trời vùi dập, người mệt đứ đừ, bị quăng sang bên nọ, bị quật sang bên kia, cảm giác nôn ra cả mật gan, mới thấy sức mạnh của thiên nhiên khủng khiếp thế nào. Trong những giây phút đứng trước sự sống và cái chết, mình mới hiểu bản thân mình hơn. Có trong những giây phút mà mình nghĩ chắc chắn sẽ chết đó, mình mới nhìn nhận về cuộc đời một cách công bằng, mình đã sống ra sao và có sống một cuộc đời đáng sống hay không? Có đi đến những kỳ quan thế giới để được sờ tay vào những họa tiết, tinh hoa của nhân loại mới thấy từ xa xưa, từ trước công nguyên đã có quá nhiều người tài giỏi. Có đến điểm tận cùng của cực Nam châu Phi mới biết là từ thế kỷ 15, Trịnh Hòa với phương tiện tàu thủy thô sơ, không hệ thống định vị đã đến nơi này. Có đứng ở quảng trường Thời đại (Times Square) vào đêm Thiên Niên Kỷ, hòa mình vào hơn triệu người tập trung ở đây để đếm ngược đón năm mới, mới thấy mình chỉ là một thành phần nhỏ trong thế giới hơn bảy tỉ người. Tiếng hét của mình dù có to đến đâu cũng bị biến mất và hòa quyện để cùng tạo nên một âm thanh đồng điệu lạ kỳ đếm từ mười về một và cùng quay sang ôm cả những người lạ bên cạnh chúc nhau những lời lẽ tốt đẹp nhất. Có đến Swarziland, nơi đến nửa dân số bị mắc căn bệnh thế kỷ, tuổi thọ trung bình không quá 35 mới thấy cuộc sống, cái chết đơn giản thế nào. Con người ta sinh ra, chết đi và nhiều khi những đứa trẻ vừa sinh ra khái niệm đầu tiên khi hiểu biết có lẽ là mình sẽ chết đi và coi như đã chết rồi. Cuộc sống được tính theo ngày.

Đi là trải nghiệm, mắt thấy, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi và được chứng kiến nhiều sự kiện, được va chạm, được giao thoa với nhiều dân tộc và nhiều nên văn hóa trên thế giới. Để hiểu rằng ở đó người ta có dùng chân tay, hay nói một ngôn ngữ lạ tai ta cũng phải cố mà hiểu. Trong khi ngồi nhà nhiều người nói cùng ngôn ngữ có khi ta không hiểu. Nếu ngồi nhà, ta sẽ nghĩ mình cũng thuộc hàng “đại gia”, cũng ở nhà lầu, xe hơi, công danh thành đạt và cứ an ủi, ru ngủ cuộc đời mình như thế, đôi lúc rất tinh vi, phán này, phán nọ, phán kia mà thật ra là sai bét mà không biết rằng thế giới ngoài kia có hàng tỷ thứ vẫn đang diễn ra, sự việc đã thay đổi và thế giới hoàn toàn khác biệt. Người ở các nước phát triển họ đã bước qua khỏi khái niệm giàu có về vật chất, những người như Bill Gates, Warren Buffet đã không dành hết của hồi môn cho con cái. Họ dành đến 95% tổng tài sản cho quỹ từ thiện mà chỉ để lại cho con cái một phần nhỏ nhoi. Những người khác, họ không khoe là tao vừa mới mua thêm căn nhà, cái xe hơi, điện thoại Vertu mà họ sẽ nói tôi vừa biết thêm một đất nước.

Có đi, có trải nghiệm mới thấy mình đỡ hẹp hòi, ích kỷ , cứng đầu và lạc hậu. Ngày xưa, ai mà nói với tôi về cuộc chiến Việt Nam khác với những gì tôi được dạy ở trường là tôi cãi chày cãi cối, cãi đến đỏ mặt tía tai, cãi cho được thì thôi, nhất định “ta phải thắng – địch phải thua”. Sau này tôi mới hiểu, mỗi vấn đề cũng như trái đất này nếu một người đứng bên kia nửa quả cầu thì sẽ chắc chắn cam đoan vào thời điểm đó là buổi đêm mà không biết rằng người bên kia nửa trái đất đang thức dậy ăn sáng và chuẩn bị đi làm. Nói cho đơn giản nếu một quả bóng to chỉ có 2 màu trắng đen, chưa cần phức tạp có nhiều màu, nếu một người cả đời chỉ đứng phía bên kia quả bóng và chỉ nhìn thấy quả bóng màu đen thì đối với anh ta, quả bóng đó chắc chắn là màu đen. Ngày này qua ngày khác đó là cái mà anh ta nhìn thấy, lâu dần trở thành nhận thức, quả bóng đó là màu đen. Tương tự như vậy, anh chàng bên màu trắng sẽ cam đoan, sống chết bảo vệ lý tưởng của anh ta rằng quả bóng đó màu trắng. Họ có thể đánh nhau, giết nhau để bảo vệ cái chân lý đó, cái nhận thức từ bé đến lớn họ đã thấm nhuần. Họ không hiểu rằng, họ đều sai. Nếu họ đi một vòng quanh quả bóng, họ sẽ hiểu và thông cảm cho nhau hơn, chắc chắn đã tránh được cảnh đầu rơi, máu chảy. Trên thực tế, trái đất này phức tạp hơn quả bóng 2 màu trắng đen kia. Trên quả cầu này, không chỉ có hai màu mà có quá nhiều màu, có quá nhiều sự khác biệt, có quá nhiều chủng tộc, ngôn ngữ, màu da, tôn giáo, thể chế chính trị, v…v và v…v . Chính vì vậy mà vẫn có nhiều cuộc chiến tranh vô nghĩa và phi lý, vẫn có cảnh bộ tộc này vác mã tấu đâm chém bộ tộc kia chỉ vì khác biệt, vẫn có những cuộc thập tự chinh chỉ vì tôn giáo và tín ngưỡng.

Đi là để hiểu hơn về thế giới và hiểu hơn về chính bản thân mình. Đi là bạn đang làm giàu cho bản thân mình.

Đường lên đỉnh Himalaya
Let’s hit the road 🙂

Mar
31

Trích note của em Laikoo.
Tùy theo từng thời kỳ, Việt Nam được chia tách theo nhiều cách khác nhau và có những giai đoạn, sự chia tách vùng miền biến thành 1 sự kỳ thị mang tính tiêu cực (trong quá khứ). Hầu hết đều dựa vào sự khác biệt về địa lý mà phân chia. Hiện nay, toàn lãnh thổ Việt Nam được phân chia thành các vùng kinh tế – xã hội như sau:

1. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, gồm 15 tỉnh:
Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh.

Kỳ vĩ và ngoạn mục! Vùng trung du Bắc Bộ được thiên nhiên khéo tô vẽ tạo nên những ngọn núi cao vút mây mù, những vực thẳm hun hút chênh vênh. Vùng đất này còn quá nhiều điều để khám phá! Nếu chia tách về mặt địa lý, thì vùng này được chia thành 2 tiểu vùng nhỏ là Đông Bắc và Tây Bắc, quá quen thuộc với dân Phượt. Mình đã đi được một số tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và Tuyên Quang.

Hùng vĩ và ngoạn mục. Vùng trung du Bắc Bộ được thiên nhiên ưu đãi cho những cảnh sắc đẹp như những bức tranh…
(Ô Quy Hồ, đệ nhất đỉnh đèo Tây Bắc – 10/2009)

2. Vùng đồng bằng sông Hồng, gồm 10 tỉnh, thành phố:
Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc.

Vùng này ngoại trừ Hà Nội ra thì mình chưa có trải nghiệm nào đặc biệt. 😦

3. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, gồm 14 tỉnh, thành phố:
Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Vùng này thực ra cũng chia thành 2 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Là chiếc eo thon thả của nàng thiếu nữ Việt Nam, miền Trung khô cằn sỏi đá được tạo hóa ban cho những bãi biển tuyệt đẹp chạy dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ…
Vùng này vẫn còn Bắc Trung Bộ chưa tới được, haizzzz…

Núi và biển tiếp giáp nhau, tạo thành bức họa toàn bích; và cũng vì thế, một dãy đất miền trung luôn phải chịu bão tố hàng năm.
(Hải Vân, đỉnh mây mù miền Trung – 09/2009)

4. Vùng Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh:
Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Từng được gọi là Cao nguyên Trung phần, Hoàng Triều Cương Thổ, vùng Tây Nguyên hiện nay vẫn còn giữ được tỉ lệ rừng cây bạt ngàn (tuy càng ngày càng bị khai thác triệt để). Vì đa phần đất đai đều nằm trên cao nguyên, nên không khí Tây Nguyên mát mẻ trong lành.
Ngoại trừ Đà Lạt đi muốn mòn dép, Gia Lai mới đến lần đầu, phần còn lại cũng chưa có cơ hội khám phá.

Trong một số tranh luận, có ý kiến cho rằng Tây Nguyên chỉ được xem là một tiểu vùng trực thuộc Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, theo cá nhân mình thì xét về yếu tố địa lý và xã hội, Tây Nguyên phải là một đặc vùng riêng biệt. (Thực tế là theo phân cấp hành chính nhà nước, Tây Nguyên là 1 vùng riêng biệt).

Đến cao nguyên lãng mạn, để tìm về chốn bình yên…
(Tuyền Lâm Lake, Đà Lạt – 11/2009)

5. Vùng Đông Nam Bộ, gồm 6 tỉnh, thành phố:
Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đây được xem là khu kinh tế trọng điểm của cả nước. Là vệ tinh của TPHCM, các tỉnh Đông Nam Bộ hiện tại là những tỉnh công nghiệp phát triển quy mô và được quan tâm quy hoạch, đầu tư mạnh mẽ. Vùng này đương nhiên mình chinh chiến hết rồi! ^^

Vùng đô thị công nghiệp phát triển, nhưng không kém phần thi vị…
(Thủ Dầu Một, Bình Dương – 5/2009)

6. Vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm 13 tỉnh, thành phố:
Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Hào sảng và giản dị, vùng này quen thuộc với tên gọi Miền Tây. Nằm quanh khu vực hạ lưu của sông Mekong, các tỉnh Miền Tây hưởng trọn sự trù phú từ phù sa và thủy sản mà sông mẹ mang lại, từ đó vun đắp cho lớp lớp thế hệ những con người phóng khoáng đúng chất đồng bằng. Miền Tây mình vẫn còn Sóc Trăng và Bạc Liêu, hic! 😦

Rặng cây xanh rì bên dòng phù sa ngầu đỏ, đặc trưng của vùng miền hào sảng phương Nam.
(Tiền Giang – 3/2010)

Sơ lược một tí về đất nước mến yêu! Hy vọng là sẽ lắp đầy những tỉnh chưa đi trong thời gian sớm nhất…

(Sau khi viết xong thì có check lại Wiki, may mắn là không bị sót tỉnh nào, hì hì! All Photos by Laikoo)

Mar
30

Nếu không muốn đi hết con đường…
Thì nên dừng lại trước lúc kịp hoàng hôn
không ai bắt ta phải sống cuộc đời cho người khác
muôn triệu tình yêu có muôn triệu lần đích đến
làm ơn đi mà!

Khi ta khóc không cần ai lau nước mắt cho ta?
khi ta cười không cần ai chia sẻ?
cần một quãng đời tự do hơn là cần một hơi ấm mặc cả
hãy thử cắn chặt môi…

Giữa mùa đông đôi khi một cơn bão tuyết còn quí hơn một đốm lửa trong tim người
Giữa nỗi đau biết đâu lại tìm ra một sự bình yên khác
Giữa đêm đen cũng phải đến lúc tự ta làm ra ánh sáng
Giữa những ngày qua phố đôi khi cần một lần lạc bước
đi khỏi cuộc đời của mình…

Nếu không muốn đi hết con đường…
thì nên dừng lại, rồi bước đi một con đường khác bằng niềm tin
đừng bắt ta phải sống cho hạnh phúc của người khác
(khi hạnh phúc của ta chỉ là bề ngoài của những giọt nước mắt cay đắng
như một hạt mưa giữa trời nắng gắt…)
làm ơn đi mà!…

Làm ơn đi…
vẫn luôn có một người giang tay ôm chiếc bóng của ta
chờ tìm thấy một người trong đời thật
vẫn luôn có một người đau khi thấy ta hạnh phúc
mà vẫn tự đấm vào ngực mình khi biết ta đơn độc
nghiệt ngã đến tận cùng…

Không ai muốn mình sống mà chỉ được đứng bên cạnh đời người mình yêu thương
cũng chẳng ai muốn đày đọa mình trong mất mát
nhưng tình yêu nào cũng có cái giá xứng đáng…
sao không thử một lần đặt cược với trái tim?

Làm ơn đi mà…
vẫn luôn có một người chờ ta cùng thắp sáng trời đêm!
(Nguyễn Phong Việt)

Dec
02

Nhớ hồi tôi chừng 7 tuổi, ông nội dẫn tôi đến bên hồ cá trong trang trại rồi bảo tôi thử ném một viên đá xuống nước. Sau đó ông bảo tôi quan sát những vòng tròn trên mặt nước bởi chính viên đá vừa ném. Rồi ông bảo tôi: “Cháu hãy thử hình dung mình như viên đá kia. Trong đời, cháu cũng có thể tạo ra rất nhiều vòng tròn xao động và chúng sẽ ảnh hưởng đến sự an bình của tất cả những người xung quanh.”

Và rồi ông tiếp tục: “Hãy luôn nhớ rằng cháu là người chịu trách nhiệm về những gì cháu đã đặt vào trong vòng tròn của chính mình và vòng tròn đó cũng sẽ lan toả và chạm vào rất nhiều vòng tròn khác. Vì vậy hãy sống sao cho những điều tốt đẹp mà vòng tròn của cháu tạo ra được gửi đi như những thông điệp của hòa bình và nhân ái đến khắp mọi người. Ngược lại, những xao động sinh ra từ sự giận dữ hoặc ganh tị chắc chắn sẽ lan tỏa và ảnh hưởng đến những vòng tròn khác. Do đó, cháu cần phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với tất cả những điều trên.”

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra rằng sự an bình nội tại hay sự bất an trong mỗi con người đều chảy ra thế giới này. Vì thế sẽ không thể tạo lập một thế giới hòa bình khi chúng ta đang còn bị vướng bận bởi những xung đột nội tại, hận thù, hồ nghi hay giận dữ bên trong dẫu cho những xúc cảm hay ý nghĩ đó có được nói ra hay không.

Mọi khuấy động xung quanh những vòng tròn diễn ra trong mỗi chúng ta đều tràn ra thế giới rộng lớn này, hoặc để tô vẽ thêm vẻ đẹp cho cuộc sống, hoặc cản trở, phá vỡ những vòng tròn khác.

(Sưu tầm)